Giới thiệu

Giới thiệu khoa Y

Khoa Y - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, tiền thân trước năm 1976 là Y Khoa Đại học đường Sài Gòn, là một trong những khoa được thành lập đầu tiên của trường từ năm 1947. Quá trình hình thành và phát triển của Khoa Y gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khi thành lập đến nay, Khoa Y đã đào tạo và cung cấp cho đất nước hàng chục vạn Bác sĩ, Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Hiện nay, Khoa Y là cơ sở đào tạo y khoa trọng điểm của cả nước. Khoa Y là đơn vị nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực y tế; là đầu mối giao lưu, hợp tác quốc tế trong giáo dục y khoa, khoa học sức khỏe và thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ cộng đồng.

Sứ mạng của Khoa Y là “Xây dựng một đội ngũ các thầy thuốc cam kết cung cấp dịch vụ sức khỏe tốt nhất làm giảm nỗi đau và bệnh tật cho con người” và tầm nhìn phát triển thành "Trung tâm giáo dục Y khoa hàng đầu của Việt Nam, ngang tầm với các Trường Đại học Y khoa trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương".

TỔ CHỨC VÀ NHÂN SỰ KHOA Y

Khoa Y có đội ngũ giảng viên hùng hậu, trình độ chuyên môn cao, gồm 496 giảng viên cơ hữu, trong đó có 6 Giáo sư, 58 Phó giáo sư, 111 Tiến sĩ, 240 Thạc sĩ, 40 Bác sĩ chuyên khoa cấp II, 28 Bác sĩ chuyên khoa cấp I, 11 Bác sĩ nội trú và 2 Bác sĩ. Nhiều giảng viên của Khoa Y giữ nhiệm vụ quản lý trong hệ thống các cơ sở y tế và là chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, Khoa Y có đội ngũ hỗ trợ gồm 103 nhân sự.

  • Trưởng Khoa Y qua các thời kỳ

1947 – 1950: GS.TS.BS. Pierre Daléas
1950 – 1955: GS.TS.BS. Charles Massias
1955 – 1967: GS.TS.BS. Phạm Biểu Tâm
1967 – 1968: GS.TS.BS. Ngô Gia Hy
1969 – 1970: GS.TS.BS. Phạm Tấn Tước
1970 – 1971: GS.TS.BS. Đào Hữu Anh
1971 – 1974: GS.TS.BS. Đặng Văn Chiếu
1974 – 1975: GS.TS.BS. Vũ Quí Đài
1976 – 1993: GS.TS.BS. Trương Công Trung
1993 – 2007: GS.TS.BS. Nguyễn Đình Hối
2007 – 2008: GS.TS.BS. Đặng Vạn Phước
2008 – 2012: GS.TS.BS. Nguyễn Sào Trung

2012 – 2015: PGS.TS.BS. Châu Ngọc Hoa
2015 – 2020: GS.TS.BS. Trần Diệp Tuấn
2020 – 8/2024: PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan
9/2024 - nay: PGS.TS.BS. Phùng Nguyễn Thế Nguyên

 

Tập thể Lãnh đạo khoa Y
(Từ trái qua phải: ThS.BS. Nguyễn Hoài Phong, ThS.BS. Dương Bá Lập, PGS.TS.BS. Đỗ Phước Hùng, PGS.TS.BS. Ngô Quốc Đạt, GS.TS.BS. Trần Diệp Tuấn, PGS.TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan,
ThS.BS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, PGS.TS.BS. Huỳnh Nghĩa, TS.BS. Trần Công Thắng)

  • Bộ môn

Các bộ môn là đơn vị chủ chốt của khoa, trực tiếp giảng dạy, đào tạo, phục vụ điều trị, nghiên cứu khoa học. Hiện nay, Khoa Y có 32 Bộ môn, gồm:

  • 07 Bộ môn cơ sở: Dược lý, Giải phẫu học, Hóa sinh, Mô phôi – Giải phẫu bệnh, Sinh lý - Sinh lý bệnh - Miễn dịch, Vi sinh – Ký sinh, Y đức – Xã hội học. 
  • 25 Bộ môn lâm sàng: Chăm sóc giảm nhẹ, Chẩn đoán hình ảnh, Chấn thương chỉnh hình – Phục hồi chức năng, Da liễu, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu – chống độc, Huyết học, Lão khoa, Lao và bệnh phổi, Mắt, Ngoại nhi, Ngoại thần kinh, Ngoại tổng quát, Nhi, Nhiễm, Nội tiết, Nội tổng quát, Phẫu thuật lồng ngực – tim mạch, Phụ Sản, Tai Mũi Họng, Tâm thần, Tạo hình thẩm mỹ, Thần kinh, Tiết niệu học và Ung bướu. 
  • Các Trung tâm, Đơn vị trực thuộc

Ngoài Bộ môn, Khoa Y còn có Văn phòng Khoa và các Trung tâm, Đơn vị trực thuộc: 

  • Văn phòng Khoa gồm các tổ nghiệp vụ: Hành chính Tổ chức, Quản lý Đào tạo, Quản trị giáo tài và Hợp tác quốc tế - Nghiên cứu khoa học. 
  • Trung tâm Huấn luyện nâng cao mô phỏng lâm sàng,
  • Trung tâm Bác sĩ gia đình.
  • Đơn vị Đảm bảo chất lượng giáo dục.

ĐÀO TẠO

Khoa Y – Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện đổi mới chương trình đào tạo Bác sĩ y khoa dựa trên chuẩn năng lực – là xu thế của giáo dục y khoa hiện nay trên thế giới.

Quá trình đổi mới giáo dục y khoa tại Khoa Y Đại học Y Dược TPHCM được khởi động từ năm 2010, chuẩn bị xây dựng chương trình từ năm 2013 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trường Y Harvard (Hoa Kỳ), Đại học Geneva (Thụy Sĩ), Đại học Texas Tech tại El Paso (TTUHSC EP), chính thức thực hiện từ năm 2016 và thế hệ bác sĩ y khoa đầu tiên được giáo dục theo chương trình đổi mới dựa trên năng lực đã tốt nghiệp trong năm 2022. Hành trình đổi mới đầy thách thức, khó khăn nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng, sáng tạo, với tất cả tâm huyết đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực y tế, nhiều thế hệ thầy cô Đại học Y Dược TPHCM đã nỗ lực phi thường để hoàn thành chu kỳ đầu tiên của chương trình đổi mới và tiếp tục cải tiến chất lượng để chương trình đào tạo ngày càng hoàn thiện hơn.

Chương trình nhằm đào tạo các Bác sĩ Y khoa có y đức, chuyên nghiệp, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cơ bản về y học để xác định, đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề sức khoẻ của cá nhân và cộng đồng, có khả năng nghiên cứu khoa học và tự học nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Chương trình đào tạo Bác sĩ Y khoa đã được kiểm định và đạt chuẩn chất lượng của Mạng lưới các trường đại học khối ASEAN (AUN-QA) vào năm 2021. 

Về đào tạo sau đại học, Khoa Y có 120 chương trình đào tạo Sau đại học với nhiều bậc học khác nhau, gồm 10 chương trình đào tạo Tiến sĩ, 13 chương trình Thạc sĩ, 39 chương trình CKII, 32 CKI và 26 chương trình đào tạo Bác sĩ nội trú. Từ năm 2020, Khoa Y đã triển khai xây dựng chương trình đào tạo Bác sĩ nội trú dựa trên chuẩn năng lực theo ACGME (Mỹ) và chính thức áp dụng vào năm 2022.

Hoạt động Đào tạo liên tục của Khoa Y cũng sôi nổi, phong phú với nhiều chương trình chuyên sâu, đặc biệt, chương trình Đào tạo liên tục Y học liên ngành đã góp phần trang bị cho các học viên khả năng giải quyết vấn đề sức khỏe toàn diện ở góc độ phối hợp liên chuyên ngành.

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Các định hướng nghiên cứu ở Khoa Y bao gồm nghiên cứu lâm sàng; nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử, miễn dịch học và di truyền học trong chẩn đoán và điều trị; phát triển phẫu thuật nội soi, vi phẫu thuật, thay thế tạng và ghép mô-cơ quan; phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, lao phổi, HIV/AIDS và các bệnh cộng đồng; và nghiên cứu trong giáo dục y học.

Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, với 6 đề tài cấp Nhà nước, 64 đề tài cấp Bộ, 2 đề tài của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), 12 đề tài cấp thành phố và hơn 1.500 đề tài cấp cơ sở trong những năm gần đây. Nhiều đề tài đã được nghiệm thu, báo cáo tại các hội nghị trong nước và quốc tế. 

Số công bố quốc tế của các giảng viên Khoa Y tăng dần về số lượng và chất lượng. Một số công trình được công bố trên các tạp chí Y khoa hàng đầu thế giới như The New England Journal of Medicine, The Lancet,

HỢP TÁC QUỐC TẾ

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên và giảng viên, Khoa Y có nhiều chương trình hợp tác với:

  • Pháp: Đại học Aix Marseille II, Đại học Bordeaux II, Đại học Nantes, Đại học Paris. Đại học Rennes, Đại học Strasbourg.
  • Anh: Viện giáo dục North East Wales, Đại học Royal Holloway London.
  • Hà Lan: Dự án Tăng cường giảng dạy tại 4 khoa Y Việt Nam và Tăng cường giảng dạy hướng cộng đồng tại 8 trường Y Việt nam.
  • Đức: Đại học Ludwig-Maximilian, Munich
  • Hoa Kỳ: University of California, Los Angeles (UCLA), University of California, San Francisco (UCSF), Trường Y Havard, Đại học Texas Tech tại El Paso (TTUHSC EP) với chương trình Phát triển Giảng viên, Đại học Kentucky, Đại học Houston, Đại học Baylor, Ủy ban Khoa học Hoa Kỳ hợp tác với Việt Nam, Viện Hàn lâm Hoa Kỳ về phẫu thuật Đầu Mặt Cổ, Chương trình Sức khỏe toàn cầu (Đại học Vermont)
  • Canada: Đại học Montreal
  • Úc: Đại học Adelaide, Đại học Sydney.
  • Nhật: Đại học Y Nha khoa Tokyo, Đại học Shiga, Đại học Tsukuba, Đại học quốc tế Sức khỏe và Phúc lợi Nhật bản
  • Hàn Quốc: Đại học Chosun, Đại học Chonnam, Đại học Sungkyunkwan, Đại học Yonsei
  • Đài Loan – Trung Quốc: Đại học Đài Bắc, Bệnh viện Cựu chiến binh.
  • Thái Lan: Đại học Chulalongkorn, Đại học Mahidol, Đại học Burapha, Đại học Songkla.
  • Singapore: Trường Y Yong Loo Lin (Đại học Quốc gia Singapore)
  • Campuchia: Đại học Khoa học sức khỏe Campuchia

BỆNH VIỆN THỰC HÀNH GIẢNG DẠY

Khoa Y phối hợp với mạng lưới rộng rãi các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc tuyến trung ương, thành phố, quận/huyện, trạm y tế để đảm bảo thực hiện tốt công tác giảng dạy lâm sàng.

Bệnh viện của trường: Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.

Các bệnh viện hợp tác: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện Nguyễn Trãi, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Răng hàm mặt, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Quận 4, Bệnh viện Quận Gò Vấp, Bệnh viện Quận Tân Phú  Bệnh viên Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP. HCM, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện.

Trạm y tế: 10 trạm y tế thuộc 5 trung tâm y tế TP. Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Quận 11, Quận 4.

THÀNH TÍCH KHOA Y

  • 2002: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ
  • 2005: Huân chương Lao động Hạng Ba
  • 2006: Bằng khen Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
  • 2008: Bằng khen Bộ trưởng Bộ Y tế
  • 2010: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ
  • 2013: Huân chương Lao động Hạng Nhì
  • 2020: Bằng khen Bộ trưởng Bộ Y tế
  • 2021: Bằng khen Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
  • 2023: Bằng khen Bộ trưởng Bộ Y tế cho công tác chống dịch COVID-19
  • 2023: Bằng khen Thủ tướng chính phủ trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao và nỗ lực không ngừng, tập thể khoa Y sẽ cùng nhau tiếp tục củng cố và phát triển đội ngũ, xây dựng văn hóa chất lượng trong mọi mặt hoạt động và gặt hái thêm những thành tích mới trên chặng đường phía trước.