Giới thiệu Bộ môn Tiết niệu học

Lịch sử phát triển

Tiết niệu học (Urology) là ngành y học tập trung vào các bệnh nội khoa và ngoại khoa của hệ tiết niệu và cơ quan sinh dục. Các cơ quan thuộc lĩnh vực tiết niệu bao gồm thận, tuyến thượng thận, niệu quản, bàng quang, niệu đạo và cơ quan sinh dục nam (tinh hoàn, mào tinh hoàn, ống dẫn tinh, túi tinh, tuyến tiền liệt, và dương vật) và vì thế chuyên ngành sâu Nam giới học (Andrology) vẫn được đào tạo tại các bộ môn Tiết niệu học.

Trước đây, được xem như một chuyên ngành thuộc hệ Ngoại khoa (đến mãi hiện nay trong nước vẫn còn một số khoa có tên Ngoại Tiết niệu hay tương tự). Tuy nhiên, trong khoảng 2 thập kỷ gần đây, tuyệt đại đa số các chương trình đào tạo y khoa tại các nước đã phát triển đều đã đồng thuận Tiết niệu học là một ngành có tính chất hỗn hợp nội - ngoại khoa. Theo xu hướng này của thế giới, Bộ môn Niệu của Đại Học Y khoa Sài Gòn trước đây đã chuyển sang danh xưng mới là Bộ môn Tiết niệu học.

Bộ môn Tiết niệu học của Đại Học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh có bề dầy truyền thống và lịch sử lâu dài và liên tục.

Ngay từ năm 1963, Bộ môn Niệu của Đại học Y khoa Sài Gòn đã được thành lập, văn phòng được đặt tại Bệnh viện Bình Dân do GS Ngô Gia Hy là chủ nhiệm bộ môn và đã đào tạo chuyên khoa Niệu cho các sinh viên Y khoa và bác sĩ Nội trú chuyên ngành Tiết niệu.

Nhà giáo ưu tú, Giáo sư Ngô Gia Hy (1916-2004), quê quán Huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Năm 1948, GS Hy tốt nghiệp ĐH Y khoa Hà Nội. Thời gian 1960-1962, ông du học tại Pháp và sau khi đỗ Thạc sĩ Y khoa (agrégé en médecine) chuyên ngành Tiết niệu học tại Paris năm 1962 (đây là học vị rất cao trong hệ thống y khoa Cộng hòa Pháp thời kỳ đó). Năm 1963, ông giảng dạy tại ĐH Y Sài Gòn. Năm 1967 là Trưởng Khoa ĐH Y Sài Gòn.

Thời gian 1977-1995, GS Hy là chủ nhiệm khoa bộ môn Niệu và làm việc tại bệnh viện Bình Dân. Ông cũng là hội viên Hội Niệu học quốc tế và Hội Niệu học Pháp, sáng lập viên Hội Niệu học Đông Nam Á (1993). Thời gian 1995-2000, ông là hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hùng Vương. Gs Hy còn là một nhà sưu tập tem và là chuyên gia nghiên cứu khí công y học nổi tiếng của Việt Nam.

GS Hy có nhiều công trình nghiên cứu về lao niệu, sỏi niệu, nhiễm trùng niệu, tạo hình đường tiểu. Ông còn nghiên cứu về khí công, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền. Ông là Tổng thư ký tập san Acta Medica Việt Nam và là Tổng biên tập tập san Thời sự Y dược học TP HCM. GS Hy đã công bố khoảng 160 công trình khoa học, bao gồm 7 cuốn sách, trong đó có các sách tra cứu mà các chuyên gia ngành Y thế giới biết đến, như Xây dựng thuật ngữ y học, Từ điển Niệu học giải phẫu, nhất là cuốn Từ điển Niệu học giải nghĩa Việt - Anh - Pháp (700 trang). Năm 1984, ông được phong hàm Giáo sư. GS Hy được tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huy chương Vì thế hệ trẻ (1988), Nhà giáo ưu tú (1990), Huy chương Vì Sự nghiệp GD (1997), Huân chương lao động hạng ba (1999), giải thưởng Tôn Thất Tùng của Bộ Y tế (2004 ).

Sau khi thống nhất đất nước, cùng với sự thành lập của Đại học Y Dược TP.HCM, Bộ môn Tiết niệu học tiếp tục được duy trì và phát triển cho đến nay, đặc biệt với công sức đóng góp của GS.BS. Trần Văn Sáng, nguyên Phó Trưởng Khoa Y và nguyên Trưởng Bộ môn Tiết niệu học của Trường.

Bộ môn Tiết niệu học là một trong số những bộ môn đã được thành lập ngay từ trước khi thành lập Đại Học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh vào năm năm 1976. Khi đó GS Ngô Gia Hy là Chủ nhiệm và GS Trần Văn Sáng là Phó Chủ nhiệm Bộ môn.

Nhà giáo Nhân dân GS.BS. Trần Văn Sáng (1928-2015) sinh tại TP.HCM, quê quán ở Huyện Long Mỹ, Hậu Giang. Năm 1949, ông là sinh viên năm thứ nhất Trường Y ở Sài Gòn, sau đó ra Hà Nội theo học Đại học Y Hà Nội và năm 1956, ông tốt nghiệp với điểm thủ khoa và tiếp tục học bác sĩ nội trú. Một lần nữa, ông tốt nghiệp bác sĩ nội trú với vị trí đầu bảng. Sau đó, ông là trưởng khoa Tiết niệu đầu tiên của Bệnh viện Phủ Doãn (Tên trước đó là bệnh viện Yersin, tên hiện nay là Bệnh viện Việt -  Đức) và cũng là khoa Tiết niệu đầu tiên của Việt Nam.

Trong 6 năm từ 1960-1965, ông được cử vào Nghệ An xây dựng tuyến khoa ngoại, hỗ trợ cho các tỉnh từ Nghệ An trở vào. Sau đó ông đảm đương nhiều công việc từ thành lập trường bác sĩ ở miền Nam đến công tác điều trị thương bệnh binh, hậu cần, biên soạn giáo trình và tài liệu đào tạo ngay trong các chiến khu. Trong thời gian nam tiến nhiều gian lao đó, có sự đồng hành và đồng cam cộng khổ của vợ ông, là GS.BS. Nguyễn Thị Trúc (nguyên chủ nhiệm Bộ môn Nội, Đại Học Y Dược Tp.HCM).

GS Sáng cũng được tặng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Quyết Thắng Hạng nhất (1975), Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất (1986), nhiều bằng khen của Bộ Y tế và Ủy Ban Nhân Dân Tp.Hồ Chí Minh, Giải thưởng Tôn Thất Tùng do Bộ Y tế trao (2003), Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (2012), Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2008.

Bộ môn Tiết niệu học phát triển cùng với sự phát triển của chuyên ngành Tiết niệu học miền Nam và của Đại Học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh.

Sự liên kết và phối hợp trường - viện luôn là nền tảng căn bản, là điểm son tươi thắm trong phát triển Bộ môn với sự phát triển của bệnh viện Bình Dân, bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nhân Dân Gia Định và bệnh viện DHYD Tp.HCM, của cả ngành Tiết niệu của Tp.HCM và các tỉnh thành phía Nam.

Bộ môn Tiết niệu học Đại học Y Dược TPHCM gắn bó với Khoa Niệu bệnh viện Bình Dân từ trước năm 1975 đến nay. GS.BS. Trần Văn Sáng về phụ trách Tổ bộ môn bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 1981. GS.TS Trần Ngọc Sinh phát triển tổ Bộ môn tại bệnh viện Nhân Dân Gia Định từ năm 2010, hỗ trợ việc khai sinh Khoa Ngoại Tiết niệu tại bệnh viện này. PGS.TS. Trần Lê Linh Phương phụ trách Tổ bộ môn bệnh viện ĐHYD từ 2009.

Về lĩnh vực đào tạo, Bộ môn tham gia đào tạo đại học và sau đại học liên tục từ năm 1963 đến nay. Về đào tạo sau đại học bắt đầu là các lớp Sơ bộ chuyên khoa (10 khóa, kết thúc năm  1986), bác sĩ Nội trú chuyên khoa Tiết niệu, sau đó là đào tạo BS Chuyên khoa cấp I, BS Chuyên khoa cấp II, Nghiên cứu sinh (khóa tốt nghiệp phó TS đầu tiên từ năm 1994) và Cao học (Khóa chuẩn hóa Thạc sĩ đầu tiên năm 1998).

Từ năm 2016, khi Đại học Y Dược TPHCM đổi mới chương trình giáo dục Y khoa. Trong chương trình mới, bộ môn Tiết niệu học phụ trách 4 module: Module Sinh sản, Module Thận - Niệu cho sinh viên năm thứ 2 và Module Tiết niệu học và Module Y học gia đình cho sinh viên năm thứ 5.

Thực hiện sứ mạng của trường Đại học Y Dược Tp.HCM là đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Với giá trị cốt lõi là chuyên nghiệp, chất lượng, năng động, sáng tạo. Cho đến nay, Bộ môn đã đào tạo được rất nhiều bác sĩ sau đại học chuyên ngành Tiết niệu học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng chuyên môn cao cho rất nhiều bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành của cả nước: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện Đồng Nai, Bình Dương, Bệnh viện Đa Khoa Vùng Tây Nguyên, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bệnh viện Tỉnh Thái Nguyên, Bệnh viện Uông Bí tỉnh Quảng Ninh...v.v. Bộ môn Tiết niệu học Đại học Y Dược cũng đã đào tạo các giảng viên cho các bộ môn Tiết niệu cho các trường Y khác như Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Khoa Y Đại học quốc gia, Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại Học Y Tây Nguyên…

Có rất nhiều bác sĩ, nội trú, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư từng được đào tạo tại Bộ môn Tiết niệu học đã và đang đảm nhiệm các vị trí trọng trách tại nhiều bệnh viện và đại học danh tiếng, các Hội đoàn nghề nghiệp uy tín trong lẫn ngoài nước như: BS Tăng Nhiếp, BS Đặng Phú Ân, BS Nguyễn Phúc Bình, PGS Dương Quang Trí, BS Nguyễn Văn Hiệp, BS Ngô Trọng Cường, BS Dương Thị Tám, PGS Đào Quang Oánh, PGS Vũ Lê Chuyên, GS Trần Ngọc Sinh, PGS Phạm Văn Bùi, BS Hoa Nghĩa Hiệp, BS Lê Hữu Sinh, BS Lê Hoàng, PGS Nguyễn Tuấn Vinh, BS Ngô Thanh Mai, PGS Nguyễn Văn Ân, TS Nguyễn Thành Như, TS Nguyễn Ngọc Tiến, PGS Ngô Xuân Thái, PGS Trần Lê Linh Phương, PGS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng.v.v..

Bộ môn luôn hoàn thành các chỉ tiêu giảng dạy đại học, sau đại học trong các năm, nhiều lần nhận được các danh hiệu thi đua và khen thưởng từ Đại học Y Dược TP.HCM, và từ Bộ Y tế. Bộ môn cũng đã tham gia trong nhiều nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kỹ thuật cao vào chẩn đoán và điều trị các bệnh tiết niệu.

-Từ năm 1962-2009: Bộ môn Tiết niệu học có trụ sở đặt tại Khoa Niệu, Bệnh viện Bình Dân, Tp.HCM.

-Từ năm 2009-2016: Trụ sở Bộ môn tại Khoa Ngoại Tiết niệu, bệnh viện Chợ Rẫy, Đ/c: số 201B Nguyễn Chí Thanh, phường 10, quận 5, Tp. Hồ Chí Minh.

-Từ năm 2017 đến nay, Văn phòng Bộ môn đặt tại Lầu 6, Tòa Nhà 15 tầng, Khoa Y, Đại Học Y Dược TP.HCM; 217 Hồng Bàng, phường 11, Quận 5, Tp.HCM.

Trưởng Bộ môn qua các thời kỳ:

  • 1963 - 1995: GS.BS. Ngô Gia Hy
  • 1996 - 2003: GS.BS. Trần Văn Sáng
  • 2004 - 2009: PGS.TS. Dương Quang Trí
  • 2009 - 4/2014: GS.TS. Trần Ngọc Sinh
  • 5/2015 – nay: PGS.TS. Ngô Xuân Thái

Tập thể Bộ môn Tiết niệu học

Thành tích tập thể

Bộ môn Tiết niệu học nhiều năm liền đã đạt thành tích tập thể lao động xuất sắc và nhận Bằng khen của Bộ Y Tế.

Hoạt động hội nghề nghiệp

Vai trò của bộ môn và giảng viên bộ môn trong hoạt động của các Hội nghề nghiệp trong nước và quốc tế:

  • GS.BS. Ngô Gia Hy, nguyên Trưởng Bộ môn, nguyên chủ tịch Hội Tiết niệu Tp.HCM, nguyên Chủ tịch và Hiệu trưởng đầu tiên (1995-2000) của Đại học Dân lập Hùng Vương, Tp.HCM, thành viên sáng lập Hội Tiết niệu Đông Nam Á (FAUA), nguyên thành viên Hội Tiết niệu Pháp (AFU).
  • GS.BS. Trần Văn Sáng, Trưởng Bộ môn, nguyên chủ tịch Hội Tiết niệu Tp.HCM, nguyên Phó Trưởng Khoa Y, Đại Học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh.
  • PGS.TS.BS. Dương Quang Trí, nguyên Phụ trách Phân môn Tiết niệu, Bộ môn Ngoại của Đại Học Y Dược Tp. HCM, nguyên chủ tịch Hội Tiết niệu- Thận học Tp.HCM.
  • GS.TS.BS. Trần Ngọc Sinh, nguyên Trưởng Bộ môn, nguyên chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Tp.HCM (HUNA), nguyên Tổng Thư ký Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam (VUNA), hiện là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Ghép tạng và cơ quan Việt Nam (VSOT). Hội viên Hội Tiết Niệu Hoa Kỳ (AUA); Hội Tiết Niệu Quốc tế (SIU); Hội Ghép tạng Thế Giới (TTS) và Hội Thận học Quốc tế (INS).
  • PGS.TS.BS. Ngô Xuân Thái, Trưởng Bộ môn, Phó chủ tịch thường trực Hội Tiết niệu - Thận học Tp.HCM (HUNA), Ủy viên Thường vụ và Trưởng Ban chuyên môn Tiết niệu của Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam (VUNA), Ủy viên Ban chấp hành Hội Y học giới tính Việt Nam (VSSM). PGS Thái cũng là thành viên của các Hội Tiết niệu châu Âu (EAU, từ 2016), Hội Tiết niệu Hoa Kỳ (AUA, từ 2017), Hội Tiết niệu châu Á (UAA, 2015), Hội Tiết niệu quốc tế (SIU, từ 2016), Ủy viên Ban chấp hành Hội Tiết niệu Đông Nam Á (FAUA, từ 2023).
  • PGS.TS.BS. Thái Minh Sâm, Phó Trưởng Bộ môn, Phó chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học Tp.HCM (HUNA), Ủy viên BCH Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam (VUNA), Ủy viên BCH Hội Ghép tạng và cơ quan Việt Nam (VSOT); Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, bệnh viện Chợ Rẫy (2014-2024).
  • PGS.TS.BS. Trần Lê Linh Phương, nguyên Phó Trưởng Bộ môn, Ủy viên BCH Hội Tiết niệu - Thận học Tp.HCM.
  • TS.BS. Nguyễn Đạo Thuấn, Ủy viên BCH Hội Tiết niệu - Thận học Tp.HCM.
  • TS.BS. Đỗ Anh Toàn, Ủy viên BCH Hội Tiết niệu - Thận học Tp.HCM.
  • TS.BS. Thái Kinh Luân, Ủy viên BCH Hội Tiết niệu - Thận học Tp.HCM.