Giới thiệu Bộ môn Y đức – Xã hội học - Chăm sóc giảm nhẹ

Lịch sử hình thành và phát triển

Trong dòng chảy phát triển liên tục và không ngừng đổi mới của nền giáo dục y khoa Việt Nam, việc đào tạo nhân viên y tế không chỉ dừng lại ở kỹ năng lâm sàng mà còn cần chú trọng đến phẩm chất đạo đức, năng lực giao tiếp, hiểu biết xã hội và khả năng đồng cảm sâu sắc với người bệnh. Với tinh thần ấy, Bộ môn Y Đức – Xã hội học – Chăm sóc giảm nhẹ được chính thức thành lập vào ngày 15/05/2024 theo Nghị quyết số 24/NQ-HĐT của Hội đồng trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, trên cơ sở sáp nhập hai bộ môn tiền nhiệm: Bộ môn Y Đức – Xã hội học (thành lập năm 2009) và Bộ môn Chăm sóc giảm nhẹ (thành lập năm 2018).

Việc sáp nhập không chỉ là một bước đi nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy theo chủ trương đổi mới của Nhà trường, mà còn là sự kết hợp mang tính chiến lược, phát huy thế mạnh chuyên môn của hai lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ trong đào tạo nhân lực y tế thời đại mới. Nếu Y đức và Y học xã hội góp phần rèn luyện thái độ và hành vi nghề nghiệp, giúp người học thấm nhuần tinh thần nhân đạo, trung thực, trách nhiệm và hành xử chuẩn mực trong thực hành y khoa, thì Chăm sóc giảm nhẹ lại là lĩnh vực mang tính liên ngành, giúp người nhân viên y tế hiểu, đồng hành và chăm sóc người bệnh và gia đình ở những giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, khi đối mặt với bệnh tật, từ lúc chẩn đoán đến khi mất.

Trong suốt quá trình hoạt động trước khi hợp nhất, cả hai bộ môn đã có nhiều đóng góp nổi bật trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bộ môn Y Đức – Xã hội học đã xuất bản giáo trình Đạo đức y học phục vụ đào tạo rộng rãi cho sinh viên và học viên sau đại học các khối Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Cử nhân Điều dưỡng, Y tế công cộng, Kỹ thuật y học… Qua các năm học tính đến trước khi sáp nhập, Bộ môn Y Đức – Xã hội đã tham gia đào tạo học phần Y Đức cho hàng chục ngàn sinh viên đại học và học viên sau đại học, phối hợp hiệu quả với các phòng ban chức năng trong việc tổ chức thi, đánh giá học phần và cải tiến chương trình đào tạo theo hướng hiện đại, lấy người học làm trung tâm.

Về phía Bộ môn Chăm sóc giảm nhẹ, đây là một trong những đơn vị tiên phong trong cả nước xây dựng chương trình đào tạo chính quy về chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ – một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ nhưng ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong chăm sóc sức khỏe toàn diện. Thực hiện theo khuyến cáo của WHO và với sự cố vấn của PGS Eric Krakauer, chuyên gia hàng đầu thế giới về CSGN, bộ môn cung cấp giảng dạy CSGN theo ba mức độ: 1) CSGN cơ bản cho sinh viên y đa khoa và điều dưỡng; 2) CSGN nâng cao cho học viên sau đại học CKI, CKII và bác sĩ nội trú của nhiều chuyên khoa; 3) đào tạo CSGN chuyên sâu là chương trình bác sĩ chuyên khoa cấp I Chăm sóc giảm nhẹ – chương trình đầu tiên được triển khai tại Việt Nam từ 2019 nhằm cung ứng các chuyên gia CSGN và lực lượng nòng cốt để xây dựng và phát triển chuyên ngành CSGN tại các trường/viện trên khắp Việt Nam. Các hoạt động đào tạo của bộ môn luôn đặt trọng tâm vào việc hỗ trợ người bệnh và gia đình người bệnh đối mặt với các vấn đề về thể chất, tâm lý, xã hội và tâm linh trong những tình huống bệnh lý đe dọa đến tính mạng và các tình trạng bệnh mạn tính kéo dài.

Sứ mệnh và chức năng – nhiệm vụ

Bộ môn Y Đức – Xã hội học – Chăm sóc giảm nhẹ đảm nhiệm sứ mệnh góp phần đào tạo thế hệ nhân viên y tế không chỉ giỏi chuyên môn mà còn chuẩn mực về đạo đức, sâu sắc về nhân văn và thấu hiểu sâu rộng các yếu tố xã hội ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Cụ thể, Bộ môn có các chức năng, nhiệm vụ chính như sau:

  • Giảng dạy các học phần Y đức học, Y học xã hội và Chăm sóc giảm nhẹ cho sinh viên đại học và học viên sau đại học toàn trường;
  • Xây dựng, biên soạn, tái bản và phát triển các giáo trình, tài liệu giảng dạy chuyên ngành;
  • Thực hiện nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực đạo đức y học, y học xã hội, chăm sóc giảm nhẹ và khoa học sức khỏe cộng đồng;
  • Tham gia đào tạo liên tục và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực y tế cho các tuyến cơ sở;
  • Hợp tác trong và ngoài nước nhằm trao đổi chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu, phát triển chính sách và xây dựng cộng đồng nhân đạo.

Trưởng Bộ môn qua các thời kỳ

Trước khi sáp nhập

  • Bộ môn Y Đức – Xã hội học:
      • TS. Nguyễn Quốc Triệu: Nguyên trưởng Bộ môn Danh dự
      • PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến: Nguyên trưởng Bộ môn Danh dự
  • Bộ môn Chăm sóc giảm nhẹ:
    •  PGS. TS. Eric Krakauer: Trưởng Bộ môn Danh dự
    • TS. Đặng Huy Quốc Thịnh: Nguyên Phó trưởng bộ môn
    • TS. Thân Hà Ngọc Thể: Nguyên Phó trưởng bộ môn

Sau khi sáp nhập (05/2024 đến nay)

  • Bộ môn Y Đức – Xã hội học – Chăm sóc giảm nhẹ:
    • TS. BS. Nguyễn An Nghĩa

Vai trò của Bộ môn và Giảng viên Bộ môn trong hoạt động hội nghề nghiệp hiện nay

  • TS Thân Hà Ngọc Thể: thành viên sáng lập và Phó chủ tịch thường trực nhiệm kì I năm 2019-2024 của Hội Y học CSGN Việt Nam; Phó chủ tịch Hội Lão khoa TPHCM
  • Thành viên Hội Y học CSGN Việt Nam: BS CKII Nguyễn Ngọc Hoành Mỹ Tiên, BS CKI Nguyễn Thị Hoàng Quỳnh, ThS BS Lê Đại Dương.