Nhiều tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, Hội Giáo dục y học Việt Nam cùng các trường đại học đang hợp sức xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bác sĩ y khoa.
GS Trần Diệp Tuấn điều phối cho hoạt động thảo luận góp ý xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bác sĩ y khoa, ngày 23-2
Hội thảo "Góp ý xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bác sĩ y khoa" do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia TP.HCM kết hợp cùng với Hội Giáo dục y học Việt Nam tổ chức diễn ra tại TP.HCM cả ngày 23-2.
Kiểm định chất lượng đào tạo bác sĩ y khoa cấp thiết hơn bao giờ hết
Hội thảo có sự tham dự của gần 100 chuyên gia đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Hội Giáo dục y học Việt Nam, các hội nghề nghiệp lĩnh vực y học, các trường đào tạo bác sĩ y khoa cả nước, các bệnh viện và người học…
GS.TS Trần Diệp Tuấn - phó chủ tịch Hội Giáo dục y học Việt Nam - cho rằng kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bác sĩ y khoa là điều quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo y tế, đảm bảo chất lượng đầu ra khối ngành sức khỏe.
"Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có bộ kiểm định dùng đánh giá tất cả các chương trình đào tạo. Trong khi đối với ngành y cần có bộ kiểm định riêng nhưng hiện nước ta chưa có.
Trong bối cảnh ngành y tế Việt Nam đang trên đà phát triển, việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bác sĩ y khoa càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết", ông Tuấn nhấn mạnh.
Muốn bằng bác sĩ y khoa Việt Nam mạnh hơn, được thế giới công nhận
Theo ông Huỳnh Văn Chương - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ Giáo dục và Đào tạo đang sửa đổi thông tư 04, kiểm định chương trình đào tạo theo hướng tích hợp nhiều bộ tiêu chuẩn khu vực AUN-QA.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo này với mong muốn bằng bác sĩ y khoa của Việt Nam mạnh hơn, hội nhập lớn hơn với thế giới. Đó cũng là tinh thần quyết định 78 của Thủ tướng là tăng cường hội nhập quốc tế.
"Đối với công nhận văn bằng, trước hết hai bên phải sòng phẳng. Muốn được công nhận thì kiểm định của chúng ta phải ngang với họ. Đây là vấn đề lớn nhất hiện nay. Giữa hai trường đã kiểm định và chưa kiểm định chắc chắn sẽ không công nhận văn bằng lẫn nhau.
Bộ tiêu chuẩn này trước khi trình lên cấp trên là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cần phải có sự đồng thuận của nhiều trường đại học, đơn vị đào tạo. Cần phải xác định lộ trình khi nào trình để ban hành bộ tiêu chuẩn này. Đặc biệt cần giữ được giá trị cốt lõi khung bộ tiêu chuẩn kiểm định của Hiệp hội Y khoa thế giới - WFME", ông Chương nói.
Các chuyên gia góp ý tại hội thảo ngày 23-2
Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo bác sĩ y khoa hội nhập Cũng theo GS Trần Diệp Tuấn, hiện nay, các nước trên thế giới sử dụng nhiều nhất là bộ tiêu chuẩn của WFME, trong đó có Mỹ công nhận. Vì thế, Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia TP.HCM kết hợp cùng với Hội Giáo dục y học Việt Nam dựa vào đó để xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bác sĩ y khoa. Bộ tiêu chuẩn này gồm 8 tiêu chuẩn với nhiều tiêu chí ở mỗi tiêu chuẩn: sứ mạng và giá trị cốt lõi; chương trình đào tạo; lượng giá; sinh viên; đội ngũ học thuật; nguồn lực giáo dục; đảm bảo chất lượng; quản trị và hành chính. "Điểm quan trọng nhất trong bộ tiêu chuẩn này là triết lý chung cho việc xây dựng bộ tiêu chuẩn theo WFME. Tại hội thảo, mọi người có nhiều ý kiến bổ ích và đều mong muốn có một bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo bác sĩ y khoa hội nhập và được quốc tế công nhận", ông Tuấn cho hay. |
Nguồn: Trần Huỳnh - Tuổi trẻ Online